Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

Vì Sao Toán Khó Với Nhiều Học Sinh? Cách Nào Làm Cho Toán Dễ Hơn?

Không có gì bất ngờ khi đối với học sinh ở tất cả bậc học, môn Toán đứng đầu bảng xếp hạng về mức độ "khó nhằn". Tuy nhiên, có bao giờ bạn tự hỏi, điều gì ở môn học này khiến cho nó trở nên khó đến vậy?

cach-lam-toan-de

Từ điển Dictionary.com định nghĩa từ "khó" là "không dễ hoặc [khiến đa số mọi người cảm thấy] không sẵn sàng để thực hiện; đòi hỏi nhiều sức lao động, kỹ năng hoặc kế hoạch để có thể được thực hiện thành công".

Định nghĩa này đã nêu lên được mấu chốt của vấn đề của toán học, cụ thể là mệnh đề "một nhiệm vụ khó khăn là một nhiệm vụ [mà mọi người] không cảm thấy sẵn sàng để thực hiện". Một trong những yếu tố của môn Toán gây khó khăn cho nhiều học sinh là bởi môn học này đòi hỏi sự kiên nhẫn và bền bỉ. Đối với nhiều học sinh, sinh viên, toán học không phải là thứ xuất phát từ trực giác hay vốn tự có của con người - ngược lại, môn học này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Trong nhiều trường hợp, môn Toán đòi hỏi sinh viên, học sinh phải dành rất nhiều thời gian và công sức cho nó.

Điều này có nghĩa rằng, đối với nhiều người, mấu chốt của việc giải một bài toán không nằm ở sức mạnh của não bộ con người, mà nằm ở khả năng duy trì được nguồn sức mạnh ấy trong một thời gian dài cho đến khi giải xong. Và do nhiều học sinh không thể phân bổ thời gian một cách hợp lí để duy trì nguồn sức mạnh não bộ cho đến khi giải xong bài toán, nên họ thường bị thiếu thời gian khi giáo viên đã chuyển sang chủ đề khác rồi.

Toán học và các dạng não bộ con người

Tuy nhiên, khi nhìn vào bức tranh toàn cảnh, nhiều nhà khoa học cho rằng có một yếu tố quan trọng ảnh hưởng, đó là dạng thức của não bộ. Sẽ luôn luôn có những quan niệm trái chiều về bất kỳ một vấn đề nào, và quá trình học hỏi của con người cũng là một trong những chủ đề gây tranh cãi. Nhiều lý thuyết gia tin rằng con người được trang bị các kĩ năng đọc hiểu kiến thức toán học khác nhau.

Theo một số học giả về khoa học thần kinh, những người thiên về khả năng tư duy logic (có não trái phát triển) thường có xu hướng hiểu vấn đề theo từng mảng thông tin cụ thể một cách tuần tự, trong khi những người theo phong cách "nghệ sĩ", thiên về trực giác (não phải phát triển hơn) sẽ có khả năng nhận thức vấn đề trên quy mô lớn, toàn cảnh hơn. Họ tiếp nhận rất nhiều thông tin ở cùng một thời điểm và để chúng "chìm" cho tới khi cần dùng đến. Do đó, những học sinh thiên về não trái sẽ có khả năng thu nạp các khái niệm rất nhanh, trong khi học sinh thiên về não phải lại không làm được như vậy. Nhóm học sinh "thuận" não phải sẽ cảm thấy việc tiếp nhận các chuỗi thông tin tuần tự một cách liên tục rất khó khăn, do vậy họ thường cảm thấy bối rối và dường như bị "bỏ lại phía sau" khi nghe giảng trên lớp.

Nhưng trong các lớp học bận rộn và có quá nhiều học sinh—không có thời gian để "chờ" những học sinh như vậy. Và do đó, chúng ta buộc phải tiếp tục bài giảng, dù cho những học sinh kia có hiểu bài và sẵn sàng để nghe tiếp hay không.

Học toán là một quá trình tích luỹ

Toán học là một trong những môn học đòi hỏi sự tích luỹ, giống như một chồng gạch xếp lên nhau. Bạn buộc phải hiểu và nắm được một vấn đề trước khi có thể chuyển sang những vấn đề khác cao hơn, phức tạp hơn. Các khối kiến thức toán học đầu tiên được chúng ta tích luỹ từ thời học tiểu học, khi chúng ta bắt đầu những bài học đầu tiên về quy tắc cộng trừ nhân chia, và những khái niệm đầu tiên ấy góp phần hình thành nên nền tảng kiến thức của chúng ta.

Những khối kiến thức tiếp theo chúng ta được tiếp nhận là ở bậc trung học, khi chúng ta bắt đầu được học về các công thức và phép toán. Những thông tin này sẽ dần "chìm" xuống và trở thành một nền tảng bền vững để học sinh tiếp tục mở rộng khung kiến thức của mình trong tương lai.

Vấn đề lớn bắt đầu nảy sinh ở thời điểm giữa cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, bởi học sinh thường xuyên phải lên lớp hoặc bước sang một môn học mới, một mảng kiến thức mới trước khi chúng thực sự cảm thấy sẵn sàng. Những học sinh bị điểm trung bình ở bậc trung học cơ sở thường mới chỉ có thể hiểu và tiếp nhận được khoảng một nửa lượng kiến thức mà đáng ra chúng cần tiếp nhận, nhưng rồi chúng chấp nhận bỏ qua và chuyển sang bài học tiếp theo. Phần lớn học sinh cứ tiếp tục, tiếp tục làm như vậy là bởi một trong những lý do sau:

1. Họ nghĩ rằng điểm trung bình cũng là ổn rồi.

2. Phụ huynh không hiểu rằng việc cứ tiếp tục học mà không thực sự hiểu toàn diện bản chất của vấn đề sẽ khiến học sinh gặp nhiều khó khăn khi tiếp tục lên những bậc học cao hơn như trung học phổ thông và đại học.

3. Giáo viên không có đủ thời gian và sức lực để đảm bảo rằng mọi học sinh đều hiểu rõ và đầy đủ tất cả các vấn đề.

Do vậy, nhiều học sinh tiếp tục học lên những bậc học cao hơn nhưng nền tảng kiến thức lại không vững. Và hậu quả của điều này sẽ khiến học sinh bị hạn chế rất nhiều khi bước vào giai đoạn học tập tự giác và sáng tạo - và nhiều khả năng có thể dẫn tới những thất bại nghiêm trọng trong tương lai.

Vậy bài học rút ra ở đây là gì? Bất kỳ học sinh nào bị điểm trung bình môn Toán cần đầu tư nhiều công sức ôn tập lại để đảm bảo rằng các bạn hiểu kỹ tất cả những khái niệm mà trong tương lai sẽ cần dùng đến. Trên thực tế, các học sinh này nên tìm đến các gia sư hoặc người trợ giảng để giúp họ ôn tập bất kỳ lúc nào họ gặp trở ngại với môn Toán!

Làm thế nào để khiến môn Toán bớt "khó nhằn"?

Chúng tôi đã tổng hợp được một vài "sự thật thú vị" về sự "khó nhằn" của môn Toán, cụ thể như sau:

- Môn Toán khó là bởi nó đòi hỏi học sinh phải bỏ nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu, tìm hiểu.

- Nhiều học sinh không có đủ thời gian để thực sự "thấm" các kiến thức toán học, do đó họ dễ bị tụt lại phía sau khi giáo viên chuyển sang vấn đề khác.

- Nhiều học sinh "tặc lưỡi" cho qua để học tiếp các khái niệm toán học phức tạp hơn ngay cả khi nền tảng kiến thức cơ bản chưa vững.

- Với nền tảng không vững đó, chúng ta có thể thất bại bất kì lúc nào.

Mặc dù các thông tin trên dường như toàn là tin xấu, song thực chất, đó lại là những tin tốt đối với các bậc phụ huynh. Khắc phục những vấn đề này không có gì là khó khăn cho lắm - miễn là chúng ta có đủ kiên nhẫn!

Dù trình độ toán học của con bạn có đang ở mức độ nào thì con bạn vẫn có thể thành công nếu quay lại củng cố nền tảng kiến thức một cách đầy đủ. Bạn cần giúp con lấp đầy những lỗ hổng kiến thức bằng cách hiểu sâu, hiểu kĩ các khái niệm cơ bản mà cháu đã bắt gặp từ môn Toán trung học cơ sở.

- Nếu con bạn đang học trung học cơ sở, thì đừng cố ép học tiếp nếu vẫn chưa nắm rõ các khái niệm đại số cơ bản nhất. Đừng ngại tìm một gia sư giúp đỡ nếu cần thiết.

- Nếu con bạn đang học trung học phổ thông và vẫn gặp vấn đề với môn Toán, hãy tìm kiếm chương trình toán trung học cơ sở để nghiên cứu lại hoặc thuê một người trợ giảng. Hãy đảm bảo rằng cháu hiểu rõ mọi khái niệm cơ bản nhất được dạy từ hồi trung học cơ sở.

- Nếu con bạn đang học đại học, lúc này đã đủ tính tự lập, thì hãy khuyên con lục lại tất cả những kiến thức toán cơ bản và bắt đầu lại từ đó. Sẽ không mất nhiều thời gian như bạn nghĩ đâu. Con bạn có thể lướt qua và nhớ lại lượng kiến thức học trong vài năm chỉ trong 1 đến 2 tuần.

Chuyện xuất phát điểm của con bạn ở đâu hay gặp rắc rối ở phần nào không quan trọng, quan trọng là cha mẹ và bản thân học sinh tìm ra được những điểm yếu và nhanh chóng hoàn thiện nó bằng cách luyện tập thật nhiều!

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét